Noibai Online
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chuyện hàng không giá rẻ ở Indonesia

Go down

Chuyện hàng không giá rẻ ở Indonesia Empty Chuyện hàng không giá rẻ ở Indonesia

Bài gửi  Admin 5/7/2008, 22:05

Cách đây 4 năm, các phi công trẻ xếp hàng để xin làm việc cho một hãng hàng không mới trong ngành hàng không đang bùng nổ của Indonesia. Tuy nhiên, có ít nhất 20 phi công đã rời Adam Air trong vòng vài tháng do lo ngại tình trạng tham nhũng, bảo dưỡng máy bay tồi và vi phạm luật hàng không có thể dẫn tới tai nạn - những lời cáo buộc mà Adam Air phủ nhận.

Chuyện hàng không giá rẻ ở Indonesia Images1209135_duoimaybay
Phần đuôi chiếc máy bay mất tích hôm 1/1 được tìm thấy.
''Tôi không muốn đợi cho tới khi mất các bạn của tôi'', Feisal Banser, 30 tuổi, một cựu cơ trưởng của Adam Air cho biết. Anh là người biết một số thành viên của tổ lái trên chiếc máy bay chở khách bị rơi hôm 1/1 với 102 hành khách trên đó.
Tăng trưởng không bền vững
Adam Air do Agung Laksono, Chủ tịch Hạ viện Indonesia, thành lập. Đây là một trong hàng chục hãng hàng không tư nhân ra đời kể từ khi Indonesia bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với ngành này vào cuối những năm 1990, mang hàng không giá rẻ tới quốc đảo rộng lớn này.
Các chuyên gia cho biết, không có bằng chứng rằng các hãng hàng không giá rẻ ít an toàn hơn so với các hãng khác. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của ngành này đã làm dấy lên những lo ngại, ít nhất là tại Indonesia, tốc độ tăng trưởng đã đi nhanh hơn nguồn cung phi công, các phụ tùng thay thế, cơ sở hạ tầng mặt đất cũng như công tác giám sát.
''Sự tăng trưởng của ngành này nhanh tới mức tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực không theo kịp. Không có đủ phi công, nhân viên kỹ thuật hoặc máy bay'', Dudi Sudibyo, chuyên gia hàng không cố vấn cho Tổng thống Bambang Susilo Yudhoyono về chiếc máy bay mang số hiệu KI-574 của Adam Air, cho biết.
Chiếc máy bay này đã biến mất đúng vào ngày đầu tiên của năm mới. Phi công không phát bất kỳ tín hiệu báo nguy nào trước khi máy bay mất liên lạc do gió mạnh. Do vẫn chưa tìm thấy hộp đen nên các chuyên gia không biết điều gì đã xảy ra đối với chiếc máy bay xấu số. Mặc dù vậy, vụ rơi máy bay ở ngoài khơi bờ biển phía Tây đảo Sulawesi - 16 tháng sau khi một máy bay chở khách nội địa của hãng Mandala Airlines đâm xuống một khu vực lân cận ngay sau khi cất cánh, làm ít nhất 149 người thiệt mạng - một lần nữa lại thu hút sự chú ý của công luận đối với ngành hàng không Indonesia.
Câu chuyện sởn gai ốc của những phi công
Adam Air có 17 máy bay, thường xuyên chở khách tới các địa điểm du lịch nổi tiếng, chẳng hạn như đảo Bali và trung tâm văn hoá Yogyakarta của đất nước này cũng như tới Singapore và Malaysia.
Sutan Salahuddin nằm trong số 17 phi công - những người đã cùng nhau bỏ việc ở Adam Air vào tháng 5/2005 do những lo ngại về an toàn. Giờ họ đang bị hãng này kiện ra toà với lý do đã vi phạm hợp đồng và nợ Adam Air chi phí đào tạo. Toà án địa hạt Tây Jakarta sẽ ra phán quyết về vụ này trong vài tuần tới.
Nhu cầu về phi công có khả năng lái những loại máy bay phổ biến chẳng hạn như Boeing 737-400 tại Indonesia lớn tới mức các hãng thường tìm cách tranh giành nhân sự của nhau, làm nảy sinh các vụ kiện để đòi bồi hoàn chi phí đào tạo. Không chỉ có vậy, Banser và Salahuddin cho biết, nhằm tiết kiệm chi phí, các bộ phận máy bay quá hạn vẫn được tái sử dụng, các quan chức giám sát nhận hối lộ và các phi công bị gây áp lực để vi phạm các quy định an toàn bay quốc tế.

Salahuddin, người làm việc cho Adam Air ngay từ những ngày đầu thành lập cho biết, anh đã bỏ việc sau khi một thiết bị định vị quan trọng trên máy bay của anh không được sửa chữa. ''Tôi đã thấy cách Adam Air quản lý công tác bảo dưỡng máy bay và tôi đã thôi việc để bảo vệ mạng sống của tôi và hành khách'', viên phi công 35 tuổi này cho biết, nói thêm rằng một giám đốc điều hành của hãng đã từng yêu cầu anh ký các chứng từ cho phép máy bay cất cánh do không có nhân viên kỹ thuật ở sân bay. ''Ông ta đã gọi tôi và bảo tôi bay, song chiếc máy bay không an toàn'', Salahuddin, người từ chối cất cánh và đã làm cho các nhà quản lý của anh tức giận, nói.
Giám đốc an toàn và an ninh của Adam Air, Đại uý Hartono, đã phủ nhận mọi luận điệu trên và tất cả những luận điệu cho rằng công ty này cố ý vi phạm các quy định an toàn quốc tế. ''Đó chỉ là những tin đồn'', Hartono nói, từ chối bình luận thêm.
Ngoài Hartono, không thể gặp được các quan chức khác của Adam Air để lấy ý kiến, trong khi nhiều nhân viên được tin là đã thay đổi số điện thoại kể từ khi xảy ra vụ tai nạn hồi tuần trước. Nhiều thông tin công ty trên trang web của Adam Air cũng đã bị xoá.
Theo Danang Parikesit - một nhà nghiên cứu hàng đầu, vẫn chưa có đủ dữ liệu để nói rằng những hành động trên ảnh hưởng tới an toàn của các chuyến bay cho dù cắt giảm chi phí có lẽ đang làm giảm tiêu chuẩn an toàn.
Bansar, một trong các cựu phi công, cho biết không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là sự thật. Khi tới thời điểm bắt buộc phải thay thế các bộ phận máy bay, bao gồm các thiết bị định vị tối quan trọng, các quan chức Adam Air ''đã tráo các bộ phận đó cho một chiếc máy bay khác để khỏi phải thay thế. Sau đó nếu họ không tìm thấy bộ phận cần thay trong vòng 30 ngày, họ sẽ đổi nó trở lại vị trí ban đầu'', Bansar cho biết.
Banser nói rằng anh đã điều khiển một chiếc máy bay có tay nắm cửa bị nứt trong nhiều tháng do không có phụ tùng thay thế trong kho. Anh đã hỏi một kỹ sư liệu có hợp pháp khi cho một chiếc máy bay có khuyết tật như vậy cất cánh hay không, tay kỹ sư chỉ mỉm cười.
''Mỗi lần bay bạn phải chiến đấu với các nhân viên mặt đất và những người quản lý về mọi quy định mà bạn phải vi phạm'', Banser cho biết. Anh nói rằng anh đã bị đình chỉ công tác 1 tuần trong năm 2005 sau khi từ chối bay bởi nếu làm vậy anh sẽ vi phạm giới hạn tối đa 5 chuyến bay/ngày. Có lần Banser đã phải đầu hàng trước những yêu cầu phải lái máy bay có một cửa sổ bị hỏng sau khi các nhà quản lý nhất trí trả thêm cho mỗi thành viên tổ lái 110 USD - một đề nghị mà Bansar đã chấp nhận. Tuy nhiên, cuối cùng viên phi công này cho biết anh đã mất lòng tin và bỏ việc.
Sudibyo, chuyên gia hàng không tư vấn cho Tổng thống Yudhoyono, đã nhớ lại một vụ việc vẫn chưa được giải thích năm ngoái khi một trong các máy bay Boeing 737 của nước này mất tích trong nhiều giờ sau khi thiết bị định vị liên lạc bị hỏng. Cuối cùng chiếc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp ở Tambolaka, cách điểm đến hàng trăm kilomet.
Hãng hàng không này đã vi phạm nhiều quy định hàng không dân sự vào hôm đó, bao gồm việc điều chiếc máy bay này khỏi hiện trường trước khi các quan chức hàng không tới điều tra. Viên phi công đã bị sa thải song các quan chức chính phủ nhất quyết không tiết lộ liệu hãng hàng không đó có bị phạt hay không, viện cớ các quy định bảo mật.
''Các báo cáo an toàn về công ty đó là một dấu hỏi lớn'', Sudibyo cho biết.

Iksan Tatang, quan chức cấp cao hàng không dân dụng Indonesia cho biết, ông đã nghe về những lời cáo buộc trên song không thể đưa ra bất kỳ bình luận gì cho tới khi xem xét những phàn nàn chính thức của các phi công. ''Tôi đã mời các phi công cung cấp thông tin cho tôi. Tại sao họ lại cung cấp thông tin cho tất cả mọi người, chứ không phải là các quan chức? Theo tôi biết chúng ta phải tuân thủ các quy định quốc tế'', ông nói.
Các phi công cho biết, họ thường thông báo về các vấn đề bảo dưỡng cho nhân viên kỹ thuật song bị cấm bay hoặc khấu trừ tiền lương khi đương đầu với các nhà quản lý. Hồ sơ về các vụ tai nạn hàng không là tuyệt mật và nhiều quan chức nói rằng họ không biết liệu đã có công ty nào phải chịu trách nhiệm hình sự hay chưa.


  • Minh Sơn (Theo AP)

Admin
Quản trị
Quản trị

Tổng số bài gửi : 311
Registration date : 25/10/2007

https://noibai.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết