Noibai Online
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Mỗi chuyến bay an toàn là mỗi mùa Xuân

Go down

Mỗi chuyến bay an toàn là mỗi mùa Xuân Empty Mỗi chuyến bay an toàn là mỗi mùa Xuân

Bài gửi  highflyer 10/2/2008, 17:21

Họ là những người hướng dẫn, điều phối và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả các chuyến bay trên vùng trời. Suốt ngày ngồi trong phòng máy lạnh, ghi ghi, chép chép, thỉnh thoảng lại cầm micro nói từng tràng tiếng Anh nên lần đầu mới gặp, ai cũng nghĩ kiểm soát không lưu là nghề nhàn hạ. Song, thực tế công việc này không kém phần nặng nhọc và trong thâm tâm họ, mỗi chuyến bay an toàn là xem như họ đã dệt thêm được một mùa xuân...
Mỗi chuyến bay an toàn là mỗi mùa Xuân 1
Thành công mỗi chuyến bay, có phần đóng góp không nhỏ của kiểm soát viên không lưu.
Căn phòng rộng khoảng 30m2 nằm trên độ cao gần 10m, bốn bề cửa kính, có thể quan sát rõ toàn bộ các đường băng cũng như khu đỗ của sân bay. Trang thiết bị của đài chỉ huy không nhiều, 2 máy SSB (máy thu phát sóng HF) dùng để liên lạc với các sân bay trong cả nước, máy VFH (máy đối không) dùng để liên lạc với tổ bay và một máy vi tính. Đó là nơi làm việc của Đội Điều hành bay, Sân bay Cà Mau. Ca trực hôm đó chỉ có hai người, Võ Thanh Tùng trực không lưu và Nguyễn Minh Tiến trực kỹ thuật. Chuyến bay số hiệu VN -B208 loại ATR 72 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, từ Tp.Hồ Chí Minh về Cà Mau. Võ Thanh Tùng cho biết: Khoảng 10 phút nữa máy bay sẽ hạ cánh. Trong khi tôi còn say sưa ngắm nhìn toàn cảnh sân bay trong làn sương mù của những ngày giáp tết, một tràng tiếng Anh vang lên. Lái chính của chiếc ATR 72 hỏi về điều kiện khí tượng của sân bay. Kiểm soát viên không lưu Võ Thanh Tùng cầm micro trả lời. Để micro xuống, Thanh Tùng nói: "Bây giờ máy bay đã hạ độ cao, cách Cà Mau khoảng 7 dặm (14km)". Ít phút sau, máy bay lại liên lạc tiếp, Thanh Tùng lại cầm micrô thông báo cho tổ bay hướng hạ cánh, đồng thời thông báo cho xe chữa cháy, xe cứu thương, an ninh vào vị trí tiếp nhận máy bay. Anh cầm ống nhòm quan sát về phía biển. Theo tay Tùng chỉ, tôi trông thấy chiếc máy bay như chấm nhỏ ở chân trời rồi lớn dần khi nó chạm vào đường băng. Kế tiếp, Tùng liên lạc với tổ bay và ghi vào nhật ký chỉ huy bay. Tôi ngồi nán lại để chờ xem máy bay cất cánh. Thời gian trôi như chậm lại trên đài chỉ huy bay, nhưng những người làm việc ở đây lại rất khẩn trương. Họ chuẩn bị cho một chuyến bay mới. 7h30 phút, chuyến bay từ Cà Mau đi Tp.Hồ Chí Minh lại lao vút trên đường băng cất cánh. Chiếc máy đối lưu lại vang lên từng tràng tiếng Anh. Tùng cho biết, anh phải điều hành chuyến bay cho đến mực bay hiệp đồng thì chuyển giao cho Trung tâm kiểm soát đường dài Tp.Hồ Chí Minh. Và sau đó tiếp tục theo dõi, xác nhận máy bay liên lạc tốt với Trung tâm kiểm soát đường dài, cho đến khi nó hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì mới xong việc.
Mỗi chuyến bay an toàn là mỗi mùa Xuân 2
Để những chuyến bay trên không phận miền Tây Nam an toàn, những kiểm soát viên không lưu của trạm phải trực 24/24.
Đội điều hành bay của sân bay Cà Mau, thuộc Trung tâm quản lý bay miền Nam, tất cả đều là nam. Họ đến từ nhiều miền khác nhau của đất nước và nhiều người trong số đó đã chọn Cà Mau là quê hương thứ hai của mình. Thanh Tùng nói: "Công việc của những người kiểm soát không lưu thoạt nhìn tưởng rất đơn điệu, nhàm chán, nhưng đầy căng thẳng. Nhất là đối với những sân bay lớn, có lưu lượng máy bay lên xuống nhiều". Nhiệm vụ của người kiểm soát không lưu gói gọn trong 6 chữ: An toàn, điều hòa, hiệu quả. Họ là những người chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi lưu thông cho toàn bộ các chuyến bay gồm những chiếc đang bay, các máy bay và cả những phương tiện khác đang hoạt động trên sân bay trong phạm vi không lưu do mình quản lý. Hiện nay, lưu lượng máy bay ngày một lớn, nên người kiểm soát không lưu phải điều hành các chuyến bay hợp lý để tạo ra hiệu quả cao nhất. Đối với các chuyến bay chỉ phục vụ cho mục đích dân sự, công việc đã không đơn giản thì với những chuyến bay cho cả dân sự lẫn quân sự, công việc kiểm soát không lưu lại càng phức tạp hơn. Họ phải điều phối làm sao cho các loại máy bay có thể cất cánh theo thứ tự và tuyệt đối an toàn. Do vậy, những kiểm soát viên không lưu chúng tôi gặp ở Đội điều hành bay hôm đó đều bảo rằng công việc của họ hết sức căng thẳng. Mỗi người, ngoài trình độ chuyên môn, cần phải có một tinh thần thép và quan trọng hơn là tính cẩn thận, quyết đoán mỗi khi đưa ra quyết định, được phi công tin tưởng. Nhân viên kiểm soát không lưu của sân bay Cà Mau được đào tạo tại Học viện Hàng không Việt Nam trong 8 tháng, sau đó được đưa về các sân bay lớn thực tập khoảng một năm, nếu đạt mới được chứng chỉ năng định. Chứng chỉ này được kiểm tra và cấp lại hằng năm nên các kiểm soát viên không lưu phải thường xuyên học tập trau dồi trình độ nghiệp vụ, nếu không sẽ bị đào thải. Kiểm soát viên không lưu Văn Mười kể: "Tiếng Anh mình nói lưu loát, thế nhưng lúc mới bắt tay vào việc, mình nói như người bị hụt hơi. Bây giờ mình đã có 12 năm gắn bó với nghề. Tay nghề của mình được nâng lên theo từng chuyến bay".
Mỗi chuyến bay an toàn là mỗi mùa Xuân 3
Trong những ngày giáp tết, sương mù dày, công việc của kiểm soát viên không lưu càng vất vả hơn.
Các chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam ngày ngày vẫn đều đặn đến và đi ở Sân bay Cà Mau. Trên đài chỉ huy bay, dù mưa hay nắng, những kiểm soát viên không lưu vẫn cần mẫn làm việc. Công việc thầm lặng, nhưng họ nắm trong tay mình vận mạng của hàng trăm con người. Cùng với các bộ phận khác, các kiểm soát viên không lưu đã góp sức rất lớn vào sự an toàn của mỗi chuyến bay. Những chuyến bay đến rồi đi, những người kiểm soát không lưu vẫn gắn bó với nơi này. Mỗi mùa xuân đến, họ lại ghi thêm thành tích của mình vào kỷ yếu của ngành.
XUÂN ĐỊNH-baoanhdatmui
highflyer
highflyer
Sinh viên năm 3

Tổng số bài gửi : 178
Registration date : 28/10/2007

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết