Noibai Online
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Phục vụ bay chuyên cơ

Go down

Phục vụ bay chuyên cơ Empty Phục vụ bay chuyên cơ

Bài gửi  highflyer 14/2/2008, 12:43

Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều doanh nhân Việt Nam được tháp tùng cùng các vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước ta đi thăm và làm việc với rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngược lại, cũng rất nhiều doanh nhân các nước tháp tùng lãnh đạo của họ theo chuyên cơ hạ cánh xuống Việt Nam.

Vì thế, thuật ngữ “chuyên cơ” thường được sử dụng nhiều trên báo chí Việt Nam, thí dụ như dịp các Tổng thống Mỹ, Nga... sang dự hội nghị APEC năm vừa rồi. Có biết bao nhiêu chuyện kể về các chuyên cơ được thiết kế đặc biệt dành cho các Tổng thống Mỹ, Nga hoặc cho các nhà lãnh đạo các quốc gia giàu có khác. Còn “chuyên cơ” Việt Nam thì sao?

Chuyên cơ Việt Nam là chuyến bay chuyên cơ do doanh nghiệp vận tải hàng không Việt Nam tổ chức thực hiện trong, ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chuyến bay chuyên cơ có thể sử dụng hoàn toàn riêng biệt hoặc kết hợp vận chuyển thương mại và được các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội có thẩm quyền xác nhận, thông báo để được phục vụ theo tiêu chuẩn chuyên cơ. Khách chuyên cơ đa phần là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.

Để thực hiện một chuyến bay chuyên cơ liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, đơn vị của ngành hàng không như: Cục Hàng không Việt Nam, các cụm cảng hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Trung tâm Quản lý bay Dân dụng Việt Nam... Tất nhiên, mỗi đơn vị chịu trách nhiệm một phần việc nào đó nhưng tất cả đều hướng tới sự an toàn tuyệt đối cho chuyến bay.

Hiện Việt Nam vẫn chưa sản xuất hoặc đặt mua các tàu bay có thiết kế hiện đại phục vụ làm chuyên cơ như của nhiều nước khác trên thế giới mà đa phần chúng ta sử dụng máy bay thương mại làm nhiệm vụ chuyên cơ. Đối với các máy bay thiết kế riêng để chuyên làm nhiệm vụ chuyên cơ thì chẳng nói làm gì, còn các máy bay thương mại thì ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn chung của nhà sản xuất thì phải tuân thủ thêm nhiều tiêu chuẩn bổ sung thí dụ như quy định máy bay phải có hai động cơ trở lên, về loại động cơ lắp trên máy bay, về lịch sử khai thác, về phương tiện liên lạc với mặt đất, về thời hạn sử dụng theo thọ mệnh do nhà chế tạo đưa ra...

Thêm vào đó là yêu cầu người lái máy bay phải đạt các tiêu chuẩn rất cao về số giờ bay, về đạo đức tác phong... Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói tới hai nhóm người phục vụ, một là các kiểm soát viên không lưu mà không một vị khách chuyên cơ nào thấy mặt và hai là các tiếp viên của hãng hàng không, người trực tiếp thường xuyên với khách chuyên cơ trên suốt cuộc hành trình.

Kiểm soát viên không lưu, người điều hành dưới đất

Thông thường các chuyến bay chuyên cơ đều được các cơ quan chức năng thông báo trước với các phương án, kế hoạch điều hành bay rất chi tiết cụ thể. Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam phân công kiểm soát viên không lưu trực tiếp điều hành bay chuyên cơ, ngoài các tiêu chuẩn chung để được cấp phép hành nghề thì họ còn phải đạt một loạt các tiêu chuẩn bổ sung nữa như phải có kinh nghiệm xử lý các tình huống bất trắc khi điều hành bay, có thâm niên điều hành bay an toàn từ 5 năm trở lên...

Anh Dương, kiểm soát viên không lưu có lần kể cho chúng tôi nghe tình huống một phi công lái máy bay chở khách cỡ nhỏ thông báo với đài kiểm soát không lưu là máy bay của họ không thả được càng để hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào ban đêm. Lúc đó, các anh nhanh chóng quyết định lệnh cho phi công bay theo tuyến định trước để các anh dùng đèn soi chuyên dụng quan sát càng máy bay đã thả hay chưa. May mắn là các anh đã thấy được càng máy bay, đồng thời ra chỉ thị cho phi công hạ cánh an toàn.

Trong ngành hàng không dân dụng thì người kiểm soát viên không lưu đóng vai trò rất quan trọng về việc bảo đảm an toàn bay kể từ khi máy bay rời điểm đỗ cất cánh cho đến khi hạ cánh. Chỉ cần sai sót trong huấn lệnh giữa phi công và kiểm soát viên không lưu là tai nạn có thể xảy ra.

Ở nhiều sân bay có tần suất cất, hạ cánh lớn, hay đường hàng không có mật độ bay dày đặc thì càng đòi hỏi trình độ điều hành bay thuần thục và tỉnh táo của kiểm soát viên không lưu. Các dịch vụ mà người kiểm soát viên cung cấp cho tổ lái thuộc về dạng đặc biệt như điều kiện thời tiết cất hạ, cánh; trợ giúp khi có sự cố trên máy bay, đảm bảo phân cách giữa các tàu bay, tốc độ bay... để không thiếu phân cách uy hiếp an toàn bay hay tranh vào vùng thời tiết bất thường.

Tất nhiên, người kiểm soát viên không lưu cần sự trợ giúp của nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại ở mặt đất nữa như các đài dẫn đường, đài phát sóng cao tần (VHF), đài radar giám sát...

Anh Nguyễn Hùng Sơn, một kiểm soát viên không lưu dày dạn kinh nghiệm cho hay: “Nghề kiểm soát viên không lưu đầy áp lực vì nó liên quan đến tính mạng của hàng trăm con người trên chuyến bay. An toàn, điều hoà, hiệu quả đối với chuyến bay thương mại là tuyệt đối thì đối với chuyên cơ lại càng phải tuyệt tuyệt đối.

Cái quan trọng khi điều hành chuyên cơ là mình phải biết tính toán nhanh chóng và lường trước được các tình huống để mình luôn luôn chủ động điều hành bay đúng theo tiêu chuẩn quy định về thời gian, về phân cách bay khi bay chuyên cơ”. Người kiểm soát viên không lưu nào cũng thấy rất tự hào mỗi khi được giao nhiệm vụ điều hành bay chuyên cơ vì đó cũng là thể hiện sự đánh giá của đơn vị về trình độ chuyên môn của họ".

Tiếp viên hàng không, người phục vụ trên trời

Những người phục vụ trực tiếp trên chuyên cơ, không phải ai khác, đó là đội ngũ tiếp viên thuộc Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines. Họ đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của các chuyến bay chuyên cơ. Trước khi trở thành thành viên phi hành đoàn phục vụ chuyến bay chuyên cơ, tiếp viên cần hội đủ các tiêu chuẩn mới được xét duyệt và phê chuẩn.

Nói chung, các quy định về tiêu chuẩn tiếp viên phục vụ chuyên cơ, ngoài đảm bảo quy định chung rồi thì họ còn phải đạt tiêu chuẩn bổ sung như tiêu chuẩn về đạo đức, kinh nghiệm nghề nghiệp phải có trên 1000 giờ bay, tiếng Anh phải có điểm TOEIC cao hơn 300 điểm... Đó là bay chuyên cơ dưới 4 ngày, còn nếu bay trên 4 ngày thì đòi hỏi tiếng Anh cao hơn 400 điểm và có trên 2.000 giờ bay.

Ngoài ra, người được chọn phục vụ trên các chuyến bay chuyên cơ đòi hỏi gia đình không có người nhà định cư tại nước ngoài. Để chuẩn bị cho chuyến bay chuyên cơ được đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, các thành viên trong đoàn được thông báo trước từ 15 đến 30 ngày tuỳ thuộc nhiệm vụ của mỗi người.

Trước ngày khởi hành 24 giờ, tổ tiếp viên sẽ được lãnh đạo Đoàn tiếp viên và các phòng ban chức năng truyền đạt thông tin cụ thể về chuyến bay, sẽ phục vụ ai, công việc phải làm trong suốt hành trình là gì. Tuỳ theo chuyến bay dài ngày hay ngắn ngày, đi bằng máy bay B777, A321 hay F70 để quyết định đoàn hàng không có bao nhiêu người. Thông thường chuyến bay chuyên cơ dài ngày sử dụng máy bay B777 sẽ có gần 30 người tham gia phục vụ, trong đó có 14 tiếp viên hàng không.

Thường thì các chuyến bay chuyên cơ xuất phát từ Hà Nội vào lúc sáng sớm, tổ tiếp viên có mặt trước giờ máy bay cất cánh 3 giờ để nhận cung ứng suất ăn, vật dụng phục vụ chuyến đi. Đối với các chuyến bay bình thường khác, việc kiểm soát cung ứng dịch vụ do Ban An toàn - An ninh trực tiếp quản lý. Còn đối với các chuyến bay chuyên cơ do tầm quan trọng về đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối nên việc này yêu cầu phải có đầy đủ đại diện Trung tâm Kiểm soát khai thác (OCC), an ninh Cục Hàng không và an ninh Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cung ứng dịch vụ và các tiếp viên phục vụ bay chuyên cơ.

Tất cả cùng nhau trực tiếp kiểm tra, niêm phong suất ăn và vật dụng trước khi chuyển ra máy bay. Công đoạn này đòi hỏi có sự cộng tác nhịp nhàng, nghiêm ngặt giữa các bộ phận để loại bỏ hoàn toàn khả năng uy hiếp an ninh an toàn chuyến bay.

Thí dụ như chuyến bay từ Busan - Hàn Quốc về Việt Nam cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải năm trước, khi lên máy bay, tất cả thành viên của đoàn (gồm phi công, tiếp viên, nhà báo, doanh nhân) đều được an ninh hàng không Hàn Quốc kiểm tra từ máy rà cơ thể, hành lý, vật dụng mang theo, thậm chí phải tháo cả máy ảnh, bút viết ra để kiểm tra. Thế mới biết trong môi trường an ninh hàng không thế giới có những yếu tố bất an thì yêu cầu an ninh an toàn cho các chuyến bay chuyên cơ càng cần phải nghiêm ngặt đến mức nào.

Tiêu chuẩn thành phần suất ăn trên chuyến bay chuyên cơ cao hơn hẳn chuyến bay thương mại bình thường. Ngoài suất ăn chính được lựa chọn trước, các nguyên thủ quốc gia và đoàn tháp tùng còn được phục vụ các món ăn thuần Việt như bánh đa cua, phở bò, miến cua...

Anh Nguyễn Hoàng Vinh, một tiếp viên lâu năm của Vietnam Airlines, tâm sự: “Chúng tôi rất yêu quý và tự hào về công việc của mình, nhất là khi được cấp trên tin tưởng giao trọng trách phục vụ bay chuyên cơ và luôn nhận được những lời động viên, thăm hỏi của Lãnh đạo Đoàn tiếp viên, Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Đặc biệt là sự quan tâm về công việc, cuộc sống của chúng tôi bằng những cử chỉ thái độ thân thiện, ấm áp của các vị Lãnh đạo cấp cao Nhà nước”.

Anh vui vẻ “khoe” thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi toàn thể phi hành đoàn Hãng hàng không quốc gia Việt Nam trong chuyển công du Australia và New Zealand ngày 6-12/2007: “Hoan nghênh các cháu đã phục vụ một chuyến công tác ở Australia và New Zealand thật tuyệt vời. Hẹn gặp lại ở những chuyến đi sau”.



Nguồn: Lê sỹ - Thời báo kinh tế VN
highflyer
highflyer
Sinh viên năm 3

Tổng số bài gửi : 178
Registration date : 28/10/2007

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết